Bỏ qua nội dung

Diễn giải về gia đình độc hại qua mối quan hệ của Aziraphale và Crowley với Thiên Đàng trong Good Omens

⚠️ Có chứa 1 chút spoilers, khi nào tới đoạn đó mình sẽ đặt icon cảnh báo

Thiên Đường trong thế giới của Good Omens được mô tả như một tập đoàn lớn với các cấp bậc trên dưới và những dự án, nhiệm vụ lớn nhỏ cùng lượng “nhân viên” thiên thần luôn trong tư thế sẵn sàng cống hiến để đạt KPI. Nếu tập đoàn này đăng bài tuyển dụng trên Linkedin , mình tin chắc 90% chúng nó sẽ xài câu slogan “Ở đây chúng tôi coi nhau như gia đình”. 🥰

Mà nói gia đình cũng đúng, vì dù sao Chúa tạo ra các sinh vật muôn loài, bao gồm cả thiên thần, như cha sinh mẹ đẻ vậy. Nên thực ra sử dụng bối cảnh môi trường công sở hay gia đình (hay công ty gia đình) thì mối quan hệ của Aziraphale và Crowley với “gia đình” này vẫn đầy đủ các yếu tố hỗn loạn. 

Khi một người sinh ra trong một gia đình độc hại, những người đóng vai trò cha mẹ hoặc người cầm quyền trong gia đình đó thường có xu hướng xem đứa con là phiên bản mini hoặc nối tiếp của bản thân họ, gần như là một món đồ. Trong tiềm thức của họ, đứa trẻ là thứ tồn tại vì mục đích thoả mãn một mong muốn gì đó của bản thân cha mẹ, họ muốn đứa trẻ đó phải biết tương tác theo nhu cầu của họ.

Đứa trẻ trong một mối quan hệ như thế này với gia đình mình sẽ không được phép có nhu cầu cá nhân, không được phép có ý kiến riêng, cũng không được có sở thích hay nhất là khác biệt quan điểm với bề trên.

Cũng như cái cách mà tập đoàn Thiên Đàng hoạt động vậy.

Tất cả những trái khoáy đều sẽ bị coi là mầm mống đe doạ đến sự ổn định của trật tự vốn có. Cái gì cũng được nhân danh “ý nguyện của Chúa”.

Và trong một gia đình độc hại như thế này, đứa trẻ (thiên thần) có 2 con đường để đi:

Hoặc nó trở thành đứa con ngoan sẵn sàng phục tùng, hoặc nó tạo phản. 

Cả hai con đường này đều dẫn tới thảm hoạ. 

Aziraphale và Crowley ở khởi nguyên đều là các thiên thần phụ trách những nhiệm vụ quan trọng cho Chúa, tôn kính và thờ phụng Chúa. Aziraphale có phần nghiêm khắc với đức tin của bản thân hơn, không dám trái lệnh cấp trên trong khi Crowley giống như một đứa trẻ tò mò, lúc nào cũng hào hứng trong việc xây dựng mọi thứ, lúc nào cũng muốn đặt câu hỏi, thắc mắc. 

Aziraphale ở lại được Thiên Đường không phải bởi y giống như những thiên thần khác, mà là bởi y giỏi giấu diếm những cái “khác” ấy hơn.

Aziraphale là “đứa trẻ” đi theo con đường phục tùng. 

Để có thể nhận được sự tán dương hoặc đồng lòng từ bề trên, được xem là đủ tốt, “đứa trẻ” này sẽ phải vứt bỏ bản thân mình. Aziraphale có rất nhiều lần bất đồng với cách làm của Thiên Đường, gian dối để chống lại thiên cơ, trong lòng y luôn có một thứ thúc giục gì đó, một thứ khiến y khác biệt và đặc biệt, nhưng suốt 6000 năm y luôn ở trong trạng thái khước từ, làm ngơ và tránh việc thành thật với bản thân mình về cái cảm giác sai trái đó. Y không thể sống và làm mọi việc theo ý nguyện của bản thân đường hoàng chính đáng vì y sẽ phải đánh đổi mối quan hệ với Thiên Đàng, và trên hết, với đức tin trong tâm khảm của y – rằng Thiên Đàng là tuyệt đối hoàn mỹ. 

Nỗi đau của đứa trẻ phải chọn con đường giấu diếm tất cả những chân thật của chính nó này là ý niệm trong tiềm thức về bản thân nó chứa đầy sự nhục nhã ê chề. 

Niềm tin của nó ở thế đối lập với niềm tin của những người nó ngưỡng mộ – “gia đình” của nó, nó biết nó là ai và biết cả việc nó là ai đó sẽ khiến “gia đình” nó thất vọng và thậm chí sẽ trừng phạt nó. Nên nó sẽ không thể làm chính mình. Nên nó xấu hổ với chính mình.

Đứa trẻ này sẽ trưởng thành thành kiểu người luôn đẩy người khác đi. Bản thân họ rất mong được yêu thương gần gũi với người khác, nhưng đồng thời họ cũng học được từ gia đình rằng tình yêu và sự thân mật đi kèm với việc họ sẽ đánh mất bản thân mình. 

Aziraphale thực sự yêu Crowley. Nhưng ở mặt nào đó, niềm tin của Crowley là hiện thân cho cái phần Aziraphale không thể chấp nhận được ở chính bản thân y. Nên việc bỏ chạy với Crowley cũng chính là phản bội lại tất cả những gì y từng biết. Y vẫn chưa hết tủi hổ với khái niệm thật về bản chất của y, y vẫn chưa sẵn sàng.

Con đường mà Crowley lựa chọn đại diện cho hướng đi của đứa trẻ không thể từ bỏ cái tôi chân thật của mình.

Đây là đứa trẻ bị thân mẫu khước từ, bởi vì những xúc cảm, suy nghĩ và điều mà nó ấp ủ đến vỡ tung khiến cho bề trên không kiểm soát hay đè nén được. Điều này, ngược lại, sẽ khiến cho đấng sinh thành cảm thấy nhục nhã, xấu hổ. Và họ sẽ tìm cách phản hướng sự nhục nhã đó, bằng việc đổ lỗi cho đứa trẻ và biến nó thành nguồn cơn của mọi vấn đề.

“Một Hoàng tử Thiên đàng bị đày vào bóng tối vĩnh cửu thì sẽ thành câu chuyện hay, nhưng nếu chuyện đó xảy ra lần nữa thì — coi bộ sẽ giống như trục trặc trong bộ máy tổ chức hơn. Mà làm gì có chuyện đó chứ!”

Bị đày khỏi Thiên Đàng, nhưng cũng không đứng vừa với Địa ngục, Crowley đi khám phá thế giới, đi tới hang cùng ngõ hẻm, chu du bốn bể năm châu để tìm ra một nơi nào đó đem lại cho hắn cảm giác thuộc về, cảm giác mái ấm, cảm giác được thấu hiểu và yêu thương. Bởi vì hắn đã không thể có được điều đó với gia đình mình.

Crowley chỉ có Aziraphale là người quan trọng nhất, bởi vì những gì cả hai có là thật. Nhưng đồng thời mối quan hệ đó cũng phản ánh chính xác bi kịch của đứa trẻ bị gia đình khước từ lớn lên và gặp được người yêu thương – những người thường không sẵn sàng, không “emotionally available”, và khi nó mở lòng, sẽ… khước từ nó.

⚠️ Spoilers ⚠️


Crowley tỏ tình với Aziraphale kể cả sau khi Azi đã nói rõ việc y muốn quay lại Thiên Đàng và có thể giúp Crowley trở thành thiên thần lần nữa, mình kiểu á á á Neil Gaiman viết tâm lý nhân vật chuẩn chỉnh vclllllllllll aaagagggghhhh 

Bị tổn thương mà chưa chữa lành thì dễ gặp nhiều trục trặc trong các mối quan hệ lắm nha. Như lúc Nina nói cô ấy chưa thể đến với Maggie sau khi ra khỏi một mối quan hệ độc hại xong vì cô ấy sẽ đơn giản là đang dùng người mới để khoả lấp chỗ trống của người cũ (rebound) thôi. 

Trời ơi xong cặp đôi con ngừi phải dạy cặp đôi ở bên nhau từ thuở khai thiên lập địa cách giao tiếp lành mạnh chứ =))))))))))))

Thôi quay trở lại, sau khi cả hai rời bỏ Thiên Đàng lẫn Địa Ngục ở phần 1, Aziraphale cũng không còn vương vấn gì nơi chốn đó nữa. Ban đầu khi Metatron mời y lên, y cũng đáp trả ngay là, “Tôi không muốn quay lại Thiên Đàng”. Tuy nhiên, Aziraphale với bản chất hướng thiện và niềm tin bất chấp rằng Thiên Đàng là nơi tuyệt đối tốt, nó chỉ trục trặc bởi vì những kẻ cầm quyền thôi. Nếu như cái coffee theory không phải là thật (mình mong nó không phải thật hơn vì haha), chắc hẳn lúc đó Aziraphale đã cho rằng, giờ ta có thể làm mọi thứ theo ý muốn, tức là ta có thể biến Thiên Đàng thành nơi xứng đáng với Crowley. 

Trong khi tất cả những gì Crowley nghe thấy lại là “anh không đủ xứng đáng, chỉ khi trở lại làm thiên thần, anh mới đủ xứng đáng.”

Hẳn điều đó phải làm Crowley đau lòng lắm, vì nỗi đau bị khước từ bởi hắn chọn làm chính mình là vết thương lớn nhất trong tim hắn.

Hiểu nhau đến mức một người biết người kia có bao nhiêu tông giọng, một người làm gì cũng hỏi ý người kia, ở trong tình thế ngàn cân cũng vẫn ung dung chờ người kia cứu tại vì làm thế khiến người ta vui, nhưng chưa bao giờ đụng được đến nỗi đau trong tâm khảm của nhau, không hiểu được góc nhìn của nhau. Và vì thế, cũng chưa tìm được tiếng nói chung. 

Tóm lại là, tất cả các mối quan hệ đều có thể làm tổn thương chúng ta nếu như chúng ta không hiểu được hay đối diện với nỗi đau của chính mình. 

Thực ra lúc coi xong mình thấy thoả mãn thế nào ấy, kiểu, haha đm đến cả thiên thần ác quỷ phép thuật đầy mình mà vẫn phải giải quyết sang chấn gia đình và vấn đề giao tiếp thì mình còn nhiều thời gian lắm hahahaha i feel so seen mn ạ. 

Mãi iu, cảm ơn các bạn đã đọc tới đây, chúc các bạn có những mối quan hệ lành mạnh hạnh phúc.

Hẹn 1 bài khác!

Bản ENG mình đăng trên Tumblr.

Bình luận về bài viết này