Bỏ qua nội dung

Về biểu tượng Chim Sơn ca trong mối quan hệ của Crowley và Aziraphale

Hahaha mình đang thử thách xem bản thân đẻ được bao nhiêu bài phân tích cho cặp này 😭🤣

“Chim sơn ca không còn hót nữa.”

Chim sơn ca là hình ảnh ẩn dụ đã gắn với câu chuyện tình của Crowley và Aziraphale từ trước. Nếu ai không nhớ thì ở season 1, ngay khúc cuối khi cả hai đi ăn bữa tối lãng mạn xa hoa ở nhà hàng Ritz, bản tình ca “A Nightingale Sang in Berkeley Square” đã vang lên cùng với lời dẫn truyện của Chúa:

“Trong khi cả hai đang thưởng thức bữa tối, lần đầu tiên trong lịch sử, một chú chim sơn ca thực sự đã cất tiếng hót tại quảng trường Berkeley. Giao thông đô thị ồn ã nhấn chìm âm thanh ấy. Nhưng tiếng hót đã cất lên, đó là sự thật.”

“That certain night, the night we met,
There was magic abroad in the air,
There were angels dining at the Ritz
And a nightingale sang in Berkeley Square.”

Khúc cuối của Good Omens season 1 đã hiện thực hoá lời bài hát “có thiên thần đang dùng bữa tối ở Ritz.”

Bản tình ca này được viết vào năm 1939 trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai bởi Eric Maschwitz và hát bởi giọng ca ngọt ngào của Tori Amos trong phim. Nội dung bản tình ca gợi về kỷ niệm của một cặp đôi vào đêm đầu tiên họ gặp gỡ và nhân vật “tôi” mường tượng rằng mình thực sự đã nghe thấy tiếng chim Sơn Ca trên quảng trường Berkeley – vốn là một điều kỳ lạ và khó xảy ra.

Hình tượng chim sơn ca đã tồn tại từ rất lâu trong văn chương nghệ thuật, kể từ thời cổ đại, luôn mang ý nghĩa loài chim chào xuân về, chào màn đêm hoặc đưa tang, về sau cũng trở thành loài chim của tình yêu. Trong văn học Anh, chim họa mi thường được sóng cặp với chim chiền chiện, một loài cất tiếng hót về đêm, loài còn lại cất tiếng hót chào bình minh. Ví dụ về ẩn dụ này có thể kể đến Romeo và Juliet, phân cảnh sau khi 2 người dành một đêm bên nhau đã nghe thấy tiếng chim và tranh luận xem đó là chim họa mi hay chim chiền chiện – nhưng rốt cuộc vẫn là ẩn tích cho việc 2 người thuộc 2 dòng dõi khác biệt nên mãi mãi không thể ở bên nhau.

Trong bối cảnh của bài hát lẫn bộ phim, mình cảm thấy tiếng chim sơn ca – một âm thanh hiếm giữa đô thị London hiện đại – giống như biểu tượng cho mối tình thần thánh nằm ngoài sự xô bồ của chiến tranh hay loạn lạc giữa các bề phái của Aziraphale và Crowley.

Khoảnh khắc Crowley bỏ đi sau khi đã tỏ tình rồi đột ngột quay lại hỏi Aziraphale có nghe thấy gì không và hôn thiên thần đến muốn bật khóc giống như nỗ lực cuối cùng để gợi lên cho Aziraphale nhớ về khoảnh khắc kỳ diệu lấp lánh nhất trong mối quan hệ của họ (cứu Trái Đất khỏi Khải huyền rồi đi thưởng thức bữa tối tại Ritz, không còn bị Thiên đường hay Địa ngục quấy rầy.) Và về sự kỳ diệu của tính thiện trong họ khi họ nghe theo trái tim mình mách bảo, ngay cả khi không có bề trên nào công nhận, như một tiếng chim sơn ca đã ở đó mà chẳng ai hay vậy.

Giây phút Crowley ngồi lên xa, chiếc Bentley cũng tự mở bản “A nightingale sang in Berkeley Square” (con xe phụ hoạ cho trái tim tan vỡ của chủ nó ghê 🥹) nhưng sau đó, Crowley đã chủ động tắt nhạc trước khi khởi động xe và lái đi vô phương hướng. Trước khi đi, hắn có nhìn Maggie và Nina, tiếp tục với cuộc sống của bản thân mà không về bên nhau vì những lí do rất đời thường, khách quan và thực tế. Cuộc sống vẫn thế và trái đất vẫn lặng lẽ quay, không có cách nào khác là tiếp tục sống.

Phân cảnh cả hai mỗi người mỗi ngả đứng nhìn nhau, âm nhạc của bản tình ca lại vang lên. Đoạn cuối của bài hát lại là lúc cặp tình nhân chúc nhau ngủ ngon sau một nụ hôn, rời đi trong màn đêm và cuộc hẹn hò của họ tồn tại như một kỷ niệm đẹp. Thiên thần và ác quỷ cũng rẽ hướng đôi người đôi ngả giống như cặp tình nhân trong bản nhạc vậy.

Chim sơn ca đã ngủ đông, nhưng sự đứt đoạn của bản nhạc có lẽ là điềm báo về một ngày nào đó nó sẽ được phát trở lại.

Đầy đủ, dịu dàng và vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Bình luận về bài viết này