Bỏ qua nội dung

One Punch Man: Một hình dung về thân phận con người

Bài viết thường không nghiêm túc nhân lúc tác giả trốn trong phòng xem anime và đọc manga giữa thời loạn lạc. 

One-Punch Man (tiếng Nhật: ワ ン パ Hepburn: Wanpanman) là một webcomic siêu anh hùng Nhật Bản được tạo bởi nghệ sĩ One vào đầu năm 2009. Bộ manga chuyển thể được minh họa bởi Yusuke Murata, rồi sau đó cũng được làm thành anime. One Punch Man kể về Saitama – một anh hùng có sức mạnh bá đạo nhất vũ trụ với khả năng cho đối phương tan tành chỉ bằng một đấm. Tuy nhiên, vì quá mạnh nên Saitama đã trở nên chán chường với mọi trận chiến, và cũng không được dân chúng công nhận vì chẳng ai biết đến những gì anh làm. Sau này anh gặp được Genos – một người máy ngưỡng mộ sức mạnh tối thượng của anh và bị cậu ta bám đuôi đòi nhận sư phụ. Sau đó anh gia nhập Hiệp hội Anh hùng và gặp được nhiều bạn mới cũng như kẻ thù. Bất chấp điểm khởi đầu đã là một người rất mạnh, hoạt động siêu anh hùng của Saitama trong Hiệp hội gặp đầy khó khăn vì mọi người không ai tin anh, hoặc phân biệt đối xử với anh vì anh hói đầu và trông không giống một anh hùng.

 Lưu ý: Bài viết có tiết lộ tình tiết câu chuyện. Chủ yếu dành cho những ai đã đọc hoặc xem tác phẩm này – nhất là bản webcomic do One sáng tác và vẽ.

 


 

“Mình chỉ cần tin rằng rồi sẽ có người trên thế giới này trân trọng những việc mà mình đang làm!”

 

Suy nghĩ ban đầu của mình cho rằng thế giới ấy có đủ tính chất của một chốn phản địa đàng (dystopia) – một giấc mơ hóa ác mộng. Thế giới trong truyện nom có vẻ giống như cuộc sống ngoài này của chúng ta, nhưng mọi thứ vật chất, cơ sở hạ tầng đều hiện đại hơn. Người máy, rô bốt, biến đổi gen, vũ khí hóa cơ thể người,… nó gợi nên cảm giác đáng sợ nếu bạn thử đặt mình vào một cuộc sống lúc nào cũng có thể rối tung lên, quái vật có thể chui lên từ bất cứ xó xỉnh nào và giết bạn, hoặc đánh sập nhà bạn, hoặc quét sạch cả thành phố bạn bạn sống chỉ trong vài giây.  Không phải nơi lý tưởng cho lắm nhỉ? Dù theo mình thấy thì người dân họ cũng quen quá rồi. ¯\_(ツ)_/¯

Sinh ra như một cái parody cho dòng siêu anh hùng, One Punch Man không kể về quá trình vật lộn để dành được sức mạnh tối thượng của Saitama như bao câu chuyện siêu anh hùng khác, nó bắt đầu khi nhân vật chính của chúng ta đã quá mạnh – mạnh nhất rồi. Và vì thế, người xem như mình ban đầu cảm thấy khá là ức chế, và thắc mắc: nếu anh ta mạnh nhất rồi, thì còn gì phải làm nữa đây?

Thực ra ngay từ tập/chapter đầu tiên, chúng ta đã có thể thấy rõ vấn đề trong việc tìm mục đích tồn tại của Saitama. Trong khi nhân vật chính nhàn nhã tiếp tục một ngày bình thường của một người bình thường, thậm chí anh còn khá nghèo phải sống ở thành phố hoang để trốn tiền nhà và vấn đề cấp thiết nhất của anh dường như chỉ là mua kịp hàng giảm giá của siêu thị, thì các nhân vật phụ của chúng ta ai nấy đều chật vật trong công cuộc tìm kiếm sức mạnh to lớn hơn. Nó tạo nên một sự đối nghịch ngớ ngẩn đến buồn cười, kết thúc những pha cao trào trong một cuộc vật lộn không cân sức giữa phe anh hùng và quái vật bằng sự xuất hiện của nam chính với một cú phồng tôm quyền, cắt phăng mọi mạch cảm xúc, cũng như nỗ lực từ đầu chí cuối của các nhân vật phụ. Nhưng câu chuyện này không phải là về việc tìm kiếm sức mạnh của nhân vật chính, nhỉ? Nó là về việc tìm kiếm một ý nghĩa và mục đích cho chúng ta động lực tồn tại. Và để thể hiện điều đó, nó đặt nhân vật chính của chúng ta vào một hoàn cảnh khá nhàm chán: một cuộc sống không hề có thách thức.

Điều gì khiến bạn hạnh phúc?

Điều gì giúp bạn thức dậy mỗi buổi sáng?

Bạn sẽ làm gì nếu một ngày bạn làm được mọi thứ bạn mơ ước và rồi từ đó về sau, bạn chẳng cảm thấy gì nữa? 

Thành thật mà nói, mình lựa bộ anime này để xem với mong muốn được giải trí và cười cho rồ, thế nhưng chẳng hiểu vì sao, ngay từ tập đầu tiên mình đã bị một cái cảm giác buồn bã kỳ quặc ám theo. Mình yêu Saitama ngay tắp lự. Mình đồng cảm với anh bởi vì chính lúc đó tất cả những gì mình cảm thấy cũng chỉ là sự trống rỗng vì ngoại cảnh hiện tại không cho phép mình làm gì cả, mình mệt mỏi vì bị mắc kẹt trong cái vòng lặp kỳ quặc của việc thức giấc và tồn tại, trong một thế giới mà mỗi ngày chào mừng một thảm họa.

Sự trống rỗng và thất vọng trong lòng Saitama về việc cuộc sống dần trở nên nhàm chán thế nào, được mô tả rất rõ ràng với sự tương phản về nỗi kinh hoàng liên tục ập tới thế giới xung quanh anh, giống như một tấm gương soi chiếu đến hiện thực trong thế giới thật. Nhờ có internet, chúng ta có thể biết tất cả bi kịch, tai họa, biến động đang xảy ra ngoài kia, nhưng trừ khi chúng ta là một phần của thảm kịch, tất cả những gì chúng ta có thể làm chỉ là… biết. Hoặc cố gắng giúp đỡ. Hoặc lên tiếng. Nhưng hầu hết thời gian, chúng ta không phải một phần của bức tranh. Chúng ta sống cuộc đời của chúng ta, liên quan hoặc không liên quan hoặc cố gắng để tỏ ra liên quan; suy nghĩ, đắn đo ở một nơi nhàm chán, cố nghĩ ra việc để làm và rồi lại cảm thấy thiếu vắng động lực để làm nó.

Thế giới của One Punch Man khiến mình chột dạ không phải bởi mình đang đặt bản thân vào hoàn cảnh của những con người tồn tại trong thế giới đó; mình thấy sợ bởi thế giới ấy rất giống thế giới ngoài này, bởi vì sự trống rỗng trong trái tim Saitama cũng tương đồng với sự trống rỗng của những con người được sống trong một thời đại tân tiến hơn – nơi chúng ta không còn phải vật lộn với thiên nhiên, chiến tranh liên miên hay những loại nguy hiểm rình rập sống chết. Chúng ta được an toàn, được phục vụ, được có nhiều lựa chọn giải trí. Chúng ta được đáp ứng đầy đủ những nhu cầu cơ bản để tồn tại, nhưng lại thiếu đi thách thức thực sự, nó buộc chúng ta phải đi tìm nhiều mục tiêu khác để lấp đầy hứng thú được sống.

Saitama có sức mạnh của một vị thánh, nhưng anh lại là người bình thường nhất với xuất thân bình thường nhất và đạt đến đỉnh cao theo cách cũng bình thường nhất. Vị thánh của chúng ta là một người bình thường. Vị thánh của chúng ta là một người đi học bị bắt nạt và quở trách vì không làm bài tập về nhà, bị hiểu lầm và thất nghiệp; là một người sợ xã hội kể từ khi còn nhỏ và thấy cuộc sống rất khó khăn cho dù đã là người mạnh nhất.

 Trước khi bắt tay vào viết bài này, một người bạn của mình trong lúc thảo luận đã nói cô ấy cảm thấy nhân vật chính One Punch Man – Saitama rất giống một người thuộc chủ nghĩa phi lý (absurdism). Mình có cân nhắc đôi chút về điều cô ấy nói, vì mình cảm thấy ý kiến này khá thú vị. 

Khái niệm về chủ nghĩa phi lý được khai mở bởi nhà triết học người Pháp Albert Camus. Camus định nghĩa tính phi lý nằm ở sự vô ích của việc tìm kiếm ý nghĩa trong một vũ trụ vốn đã khó hiểu và vô nghĩa sẵn. Sự phi lý nảy sinh từ mong muốn của con người chúng ta về trật tự, ý nghĩa, mưu cầu hạnh phúc; song ngoài kia lại là một vũ trụ từ chối cung cấp điều đó. Học thuyết này như một cách Camus tìm kiếm sự an ủi trong thế giới hỗn loạn và thờ ơ với những nỗ lực cùng nỗi khổ đau của con người.

Triết lý của chủ nghĩa phi lý cho rằng bằng cách từ chối hy vọng, người ta có thể sống trong trạng thái tự do, và điều này chỉ được thực hiện mà không có hy vọng và kỳ vọng.

Saitama không phải kiểu nhân vật toát lên hào khí của niềm hy vọng ngập tràn như những nhân vật chính trong truyện shounen khác. Anh không có kiểu hô hào công lý, vỗ ngực tuyên bố với tình yêu nhân loại bùng cháy rằng ta đây sẽ mang đến hòa bình cho thế giới. Đằng sau vẻ trống rỗng cùng đôi mắt “cá chết”, Saitama vẫn có cái gì đó thật lạc quan, hài hước, anh vẫn ung dung giữa thói đời bội bạc, thậm chí phớt lờ đối với tình trạng hỗn độn xung quanh. Ở anh chất chứa nhiều nỗi tuyệt vọng – tuyệt vọng vì trạng thái cô lập (trước khi Genos xuất hiện), tuyệt vọng vì đã ở trên đỉnh cao của sức mạnh, tuyệt vọng vì cảm thấy mọi thứ mình làm đều không vì lẽ gì cả (tỉ lệ tội phạm không giảm mà còn tăng lên, không một ai chú ý đến những việc anh làm.) Nhưng sự tuyệt vọng nơi anh không đi kèm với bóng tối, giận dữ hay niềm bi quan; ngụ ý rằng tuyệt vọng và hy vọng không phải là hai tính trạng đối nghịch. Có lẽ bằng cách không hy vọng, anh có thể sống một cách ung dung, tự tại và tự do nhất. Rằng anh không cần phải có một ý nghĩa cho việc mình làm ngoại trừ việc “tui làm anh hùng vì sở thích thôi!”

Nhưng cá nhân mình nhận thấy, ngược lại với tất cả các nhân vật khác – những người được mô tả là đang theo đuổi sức mạnh – tuyến phát triển của Saitama nằm ở việc kết nối với mọi người xung quanh, có những mối quan hệ ý nghĩa và truyền cảm hứng cho người khác.

Sở hữu sức mạnh tối thượng chưa phải là sở hữu tất cả.

Không thể sống thiếu cộng đồng, đó là điều kiện làm người. 

 


 

“Tà ác là gì? Công lý là gì? Mấy lời có cánh đó chỉ đơn giản là để rủa ta chết đi vì số đông muốn vậy! Vô lý quá! Các người chết hết đi!”

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lý do thứ hai là vì… nói sao nhỉ? 

Rất khó để không thích Garou.

Bạn có tức giận không khi tất cả mọi người đều nói với bạn câu chuyện về cuộc đời bạn lại không phải câu chuyện của bạn? 

Tương tự như Saitama, Garou cũng là một nhân vật xuất hiện với tuổi thơ không tốt đẹp. Saitama liên tục gặp thất bại trong cuộc sống và luôn tự hỏi liệu bản thân có thể tồn tại được trong một thế giới độc ác như thế này không. Garou cũng vậy, nhưng cách cả hai phản ứng lại với sự bất công của thế giới lại có phần khác biệt. 

Ban đầu khi xem những đoạn hé mở về quá khứ của Garou – một cậu bé luôn cổ vũ cho phe quái vật, mình cảm thấy khá buồn cười. Chẳng nhẽ lý do đằng sau việc hắn làm chỉ có vậy thôi sao? Nhưng càng về sau mình mới càng hiểu ra, vấn đề ở đây không phải là chuyện ai thắng ai thua, càng không phải chuyện người tốt/kẻ xấu, điều mà Garou muốn bày tỏ lúc đó thực ra là: Thế giới này không hề công bằng.

Xuyên suốt quá trình “tiến hóa” của mình, Garou đã chịu đựng và đứng lên không biết bao nhiêu lần. Thương tích chồng chất, những trải nghiệm cận tử liên tục được giáng xuống, nhưng hắn vẫn đứng dậy. 

Để làm được điều đó, bất cứ ai cũng cần một sức mạnh tinh thần cực kỳ khủng khiếp. Nhưng vì sao nhỉ? Mình tự hỏi, mục đích của Garou lúc đó, thậm chí cả quá khứ đã hé lộ của hắn lúc đó vẫn chưa đủ để trả lời cho câu hỏi: vì sao hắn có thể chịu đựng được tất cả những điều này? Vì lẽ gì hắn không bỏ cuộc? Điều trái tim Garou mong muốn thực sự là gì?

Theo dõi quá trình phát triển của nhân vật này, mình tin chắc sẽ có một giây phút tất cả mọi người đều nín thở chờ xem liệu tên phản diện có thể trở thành đối cực của Saitama? Làm điều mà Saitama đã làm? Bứt phá giới hạn và chạm tay tới nguồn sức mạnh vô song? Tất cả mọi người đều mong chờ liệu đây có phải là đối thủ xứng tầm Saitama mà sẽ không bị tiêu diệt chỉ bằng một đấm? Liệu chúng ta có thể được xem trận chiến đích thực mà tất cả chúng ta đều trông chờ kể từ đầu truyện – hoàn thành giấc mộng của Saitama – giúp anh có được thứ thách thức khiến anh đủ đầy và hạnh phúc?

Tất cả mọi người đều nín thở và mong chờ biết bao bởi vì Garou đã có một hành trình phát triển nhân vật quá xuất sắc.

Hắn đã tiến đến gần với việc bứt phá giới hạn hơn bao giờ hết.

Hắn có làm được không?
Hắn có thể không?
Có thể chứ?

Hắn không thể.

Garou cứ nói mãi về việc trở thành kẻ xấu xa nhất trong khi bản chất hắn lại lương thiện. Garou cứ nói mãi về việc tiêu diệt các anh hùng trong khi thứ hắn muốn là sự công bằng, là gắn kết xã hội, là sự đồng cảm và trách nhiệm.

Trong truyện Garou có 2 mục đích chính: săn các anh hùng và bảo vệ thằng nhóc Tareo.

Cả hai mục đích này đều là kết quả từ quá trình trưởng thành không êm đẹp của Garou. Mục đích đầu tiên sinh ra từ nỗi hận thù với hệ thống và thế giới mà hắn lớn lên – một thế giới bất công. Nhóc Garou đủ nhạy cảm để nhận ra quái vật cũng có ước mơ, tham vọng, và thứ gì đó chúng cần bảo vệ như các anh hùng. Sự khác biệt về thế giới quan khiến Garou trở thành đối tượng bắt nạt của lũ trẻ đồng trang lứa. Cũng giống như Saitama, Garou mang trong mình nỗi bất an đối với cách xã hội vận hành.

Trong những bộ phim siêu anh hùng mà hắn xem thuở bé, những trò chơi đóng giả mà bạn bè hắn chơi, mọi người đều tái hiện xung đột của anh hùng – quái vật như hai màu đen trắng. Điều này tạo cho lũ trẻ ấn tượng rằng chúng chỉ có thể đóng một trong hai vai đó. Và anh hùng sẽ luôn là phe thắng cuộc.

Garou luôn là đứa trẻ lạc loài, bị ruồng rẫy, hiểu nhầm hết lần này đến lần khác, bị bắt nạt đánh đập (như vai trò của quái vật) bởi lũ trẻ nổi tiếng, được mọi người yêu thích hơn (như vai trò của anh hùng.) 

Đồng cảm với quái vật, Garou phát triển một niềm tin rằng hắn chẳng bao giờ có thể đảm nhận vai trò của một anh hùng. Đối với hắn, anh hùng chẳng khác gì tụi bắt nạt luôn được thiên vị trong khi quái vật cũng đáng thương, cũng oan uổng nhưng chẳng ai thèm đoái hoài. Hắn đã quá chán chường trước những bất công đó, hắn ghét cái hệ thống vô lý với tụi anh hùng bụng đầy một bồ đạo đức giả. Bằng cách săn anh hùng, hắn những tưởng mình có thể chứng minh cho tất cả mọi người thấy họ đã sai, rằng lũ người ngu ngốc đang cổ vũ cho những kẻ thất bại hợm hĩnh. Phản ứng với vết thương thưở nhỏ, gã chọn cách thỏa hiệp với cái ác và gào lên với cả thế giới rằng chính mình là kẻ xấu xa nhất, nhưng trái tim của Garou vẫn lương thiện. Hắn cố gắng hết sức để trở nên mạnh mẽ hơn. Hắn muốn đập vỡ khuôn mẫu – muốn quái vật chiến thắng. Dù rằng thực chất hắn chỉ muốn đòi lại công bằng cho những kẻ yếm thế luôn bị hiểu lầm, và trừng phạt cái ác đích thực.

Không thể thoát khỏi tổn thương thời thơ ấu, Garou đã chọn sai đường.

Tareo đại diện cho phần “đứa trẻ” trong Garou.

Pin on One Punch Man!!!

Xuất hiện như một nhân vật qua đường với vẻ ngốc nghếch, khó lòng ngờ được vai trò của thằng nhóc sau này lại trở nên quan trọng đến vậy. Bao quanh bởi sự đơn độc, Tareo là nhân vật duy nhất được cho phép đứng ở thế tương tác với Garou mà không có ý niệm thù địch như hầu hết các nhân vật còn lại. Garou thực sự quan tâm tới thằng nhóc. Ở thằng nhóc, Garou dường như nhìn thấy bản thân mình nhiều năm về trước – một đứa trẻ yếu ớt. Hắn chọn bảo vệ thằng nhóc không phải bởi vì hắn buộc phải làm vậy. Sức mạnh ý chí quật cường của Garou đến từ cùng một nơi với mong muốn bảo vệ đứa trẻ kia, và cùng một nơi với lòng vị tha mà hắn dành cho Hợp Kim Đen Bóng khi nhìn thấu sự yếu đuối trong đối thủ khi đấu với gã – tính thiện trong trái tim gã.

Garou bứt phá và trở thành một thực thể mạnh tới cấp độ thảm họa God. Hắn đã thành công trong việc lừa dối bản thân mình tới mức hắn không hề nhận ra cội nguồn của thứ sức mạnh ý chí điên rồ mà hắn có đến từ đâu, hắn không nhận ra hắn đã luôn đứng về công bằng và lẽ phải – những khái niệm thuộc về anh hùng đích thực.

Hắn không thể chạm tới đỉnh cao như Saitama bởi lẽ ngay từ ban đầu, mục tiêu hành động của hắn đã xung đột hoàn toàn với điều mà trái tim hắn thực sự mong mỏi.  


 

Cảm ơn mọi người đã đọc!

Không liên quan cơ mình loop bài Be Kind của Halsy & Marshmello suốt những chap kể từ khi Garou xuất hiện và chả hiểu sao mình thấy mở đầu của bài này rất hợp với nhân vật.

Nếu có thể, hãy xem cả bản webcomic của bộ này nhé. Ban đầu mình hơi sốc vì nét vẽ mà đọc vài chương lại thấy cũng vẫn hay haha!

Bình luận về bài viết này